Ngày 09/2/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW,
“về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Với quan điểm: "Học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay"
[1]. Đặc biệt, Ban Bí thư giao Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong hệ thống các trường đảng và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Ngay từ khi có chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đảng ủy Khối Cơ quan tỉnh (
nay là Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh), Đảng ủy và Ban Giám hiệu TRường Chính trị tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng Kế hoạch và nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, yêu cầu đội ngũ giảng viên của Trường nghiên cứu kỹ những nội dung của Chỉ thị 23-CT/TW có liên quan đến bài giảng, bổ sung những vấn đề thực tiễn vào trong từng bài giảng sao cho phù hợp với thực tiễn của tỉnh Kon Tum nói riêng và đất nước nói chung. Đồng thời, chọn cử những giảng viên có năng lực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để cập nhật về nội dung và phương pháp đấu tranh với những biểu hiện xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt là việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực vào các bài giảng, giúp cho bài giảng có sức lôi cuốn người học, tạo tâm lý thoải mái khi tiếp thu tri thức khoa học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, xây dựng thế giới quan duy vật cho người học khi nhìn nhận những vấn đề thực tiễn của đất nước.
Tính đến ngày 15/3/2023, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh có 26 người. Trong đó, có 02 tiến sĩ; 23 thạc sĩ và 01 cử nhân. Trên 90% đội ngũ giảng viên của Trường đã tham gia lớp Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực và bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Với những nỗ lực và cố gắng đó, chất lượng các lớp đào tạo và bồi dưỡng của Trường ngày càng được nâng lên, điều này được chính học viên của các lớp thừa nhận. Kết thúc các lớp học, khóa học tại Trường, học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng; Lịch sử Đảng; Những vấn đề chung về Nhà nước và pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội...qua đó giúp họ giải quyết tốt hơn các vấn đề do thực tiễn đặt ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương công tác.
Với những nỗ lực và phấn đấu của đội ngũ giảng viên, sự chỉ đạo thường xuyên và quản lý chặt chẽ của Ban Giám hiệu, sự tham mưu hiệu quả của các phòng chức năng, trong 5 năm qua (2019 - 2023), Trường Chính trị tỉnh đã mở đào tạo trung cấp lý luận chính trị 26 lớp/1730 cán bộ, đảng viên; mở các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước (ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; đối tượng 3, đối tượng 4, mặt trận và các đoàn thể..) với 75 lớp cho hơn 6500 cán bộ, đảng viên, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện của tỉnh.
Có được những kết quả nêu trên, trước hết phải khẳng định vai trò của đội ngũ giảng viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Với sự tâm huyết, lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc được giao, đội ngũ giảng viên đã góp công lớn trong thành công chung của Nhà trường trong thời gian qua. Họ chính là những người đã trực tiếp đưa tri thức của nhân loại đến với người học và giúp người học nhận thức sâu sắc những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời giúp cho người học hình thành nên thế giới quan khoa học để tự khẳng định mình trong thực tiễn công tác sau này. Thực tế đã có rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp Trung cấp chính trị tại Trường đã tạo được sự tin tưởng trong công tác và được bổ nhiệm vào nhiều vị trí cán bộ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở và họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy tại Trường, vẫn còn một số giảng viên chưa thật sự kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn. Chưa thật sự có sự trao đổi thông tin giữa người dạy và người học, nên đôi khi dẫn đến giảng dạy một chiều, thiếu tính hấp dẫn và lôi cuốn người học.
Vai trò của đội ngũ giảng viên chính trị nói chung, giảng viên trực tiếp giảng dạy các môn Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng trong việc định hướng và dẫn dắt tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Làm sao để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải thực sự là nền tảng tư tưởng vững chắc trong toàn xã hội, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Muốn được như vậy, cần làm tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy các môn học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của môn học này. Đặc biệt cần khẳng định vị trí, vai trò của các môn lý luận của Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cung cấp tri thức khoa học để xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Do vậy, một trong những nội dung cần tập trung trong thời gian tới là tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, trong đó có đội ngũ giảng viên lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cả về số lượng, nhất là chất lượng, trình độ học vấn, năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu lý luận.
Thứ hai, thường xuyên chú trọng bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giảng viên lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua thực tiễn giảng dạy. Quá trình giảng dạy của giảng viên phải làm cho học viên nắm vững thực chất các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng sáng tạo và phát triển các nguyên lý đó vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng ta. Phải quán triệt và thực hiện tốt các yêu cầu: sát thực tiễn, sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo và sát với đối tượng người học. Đặc biệt coi trọng định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho học viên.
Thứ ba, xây dựng môi trường của Trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2026, đó là môi trường văn hoá dân chủ thực sự, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên của Trường trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Hiện nay, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường; sự xuống cấp của đạo đức, lối sống; tình trạng tham ô, tham nhũng, thói cửa quyền... đã len lỏi vào nhiều góc cạnh của xã hội. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới đội ngũ giảng viên trong việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Do đó, cần xây dựng môi trường văn hoá dân chủ, chú trọng cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời và có định hướng, nhất là thông tin phản diện, làm cơ sở dữ liệu cho giảng viên xem xét, đánh giá, kết luận, chỉ đạo hoạt động thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Quan tâm điều kiện làm việc và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ giảng viên nhằm tích cực hóa trách nhiệm cá nhân, tạo động lực phát triển phẩm chất, năng lực đội ngũ giảng viên của Trường, qua đó nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.
Thứ tư, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến tất cả các lĩnh vực công tác của Nhà trường. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu thực tế tại cơ sở cho đội ngũ giảng viên. Phát huy tinh thần tích cực, chủ động, tự giác, tự học của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học; cập nhật kịp thời những phát triển mới trong lĩnh vực lý luận, tư tưởng. Thông qua các hoạt động trên, bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên được phát huy phù hợp với những đòi hỏi của thực tế cuộc sống, góp phần khẳng định giá trị bản thân khi trực tiếp chuyển tải những tri thức khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến người học, góp phần định hướng tư tưởng cho người học khi về với thực tế công tác sau này.
Thứ năm, cần có cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm phát huy tối đa tinh thần tự tìm tòi, học hỏi nhằm nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ giảng viên của Trường. Có chính sách khuyến khích những giảng viên trẻ có năng lực tiếp tục quy hoạch đào đạo để trở thành những giảng viên kế cận, cốt cán cho Nhà trường sau này. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ giảng viên của Trường có điều kiện giao lưu, học hỏi với đồng nghiệp ở các vùng, miền khác nhau của đất nước, để tích lũy kinh nghiệm, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy của bản thân.
Trước yêu cầu đòi hỏi đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện, trong đó đặc biệt đổi mới phương pháp dạy học các môn Lý luận Mác - Lênin, tư tương Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường là khâu then chốt, trong đó một yếu tố hết sức quan trọng là phải nâng cao năng lực thực tiễn, kiến thức thực tiễn cơ sở cho đội ngũ giảng viên, đây là điều mà Trường chính trị tỉnh quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.