Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, xuyên suốt tiến trình đấu tranh cách mạng. Nhiều lần Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”[1], “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”[2].... Mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta chính là “đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”[3]. Theo Người, chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc là toàn thể nhân dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc trên cơ sở lợi ích chung thống nhất của quốc gia. Trong nhiều bài nói chuyện, bài viết Người luôn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”[4]. Người lý giải ngọn nguồn sức mạnh xuyên suốt cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, tự do và bảo vệ Tổ quốc là “nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc”[5]. Từ đó, Người chủ trương: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt” [6], tất cả dân tộc “đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt”[7]; đồng thời, chính sách dân tộc phải hướng đến mục đích “thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”[8], nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào gắn với công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Trên nền tảng kế thừa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và căn cứ vào thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng như dựa vào tình hình thế giới hiện nay, Đảng ta luôn xác định đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị Trung ương 7 khoá IX "Về công tác dân tộc", nêu rõ: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam... Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”[9]. Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển... Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[10]. Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc đã nhấn mạnh: “Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển”[11].
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn coi trọng và phát huy sự đoàn kết, đồng thuận trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong tình hình mới hiện nay, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chủ động ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch để kịp thời chỉ đạo công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng "hướng về cơ sở", làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, thực hành dân chủ. Nhờ đó, kinh tế có sự phát triển tích cực, năm 2023, tổng thu nhập trên địa bàn (GRDP) đạt 19.100 tỷ đồng (tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước), GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 58,8 triệu đồng/người, đạt 103,1% kế hoạch (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước); Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh phúc lợi xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời; Các hoạt động văn hóa – xã hội được triển khai thiết thực, hiệu quả mang lại sự phấn khởi cho nhân dân; Chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện; Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục được giữ vững ổn định. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được củng cố, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Để xây dựng khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã có nhiều đổi mới trong thực hiện công tác dân vận, gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, khúc mắc trong Nhân dân; động viên Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, thay đổi cách thức sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" đã được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm, khuyến khích người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và người có uy tín trong tôn giáo tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế gây ảnh hưởng đến công tác vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc, cụ thể như: đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp so với cả nước; Khoảng cách giàu – nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; Tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai còn diễn biến khá phức tạp; Mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào DTTS còn thấp; Địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp như: truyền đạo trái phép, các thế lực thù địch, phản động vẫn đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai,... để kích động, lôi kéo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum thời gian qua, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa về đường lối, chính sách nói chung, đường lối, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước nói riêng; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Hai là, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ người DTTS. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”.
Ba là, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến đồng bào DTTS; Giải quyết tốt vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và sản xuất; Quan tâm đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất, bố trí việc làm cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.
Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục động viên và phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo Chỉ thị số: 08/CT-UBND ngày 06-2-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tăng cường đổi mới phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, đa dạng các hình thức tổ chức, tạo điều kiện rộng rãi cho người dân tham gia, thực sự là chủ thể trong phát triển kinh tế, lao động, sản xuất, sáng tạo, làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội.
Sáu là, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết công tác dân tộc. Việc sơ kết, tổng kết phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan kết quả, hạn chế, vướng mắc trong triển khai các chính sách dân tộc ở từng giai đoạn; Xác định đầy đủ, chính xác nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp đối với những mặt đạt được và chưa đạt được của kết quả; Phải rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc.
Bảy là, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, phá hoại, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum bằng các luận điểm khoa học, các kết quả nghiên cứu thực tiễn. Xử lý nghiêm minh những hành vi chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị - xã hội. Chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên sẽ góp phần củng cố hơn nữa khối đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum, tạo thế trận lòng dân vững mạnh, là “bức tường” vững chắc để ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hiền - Nguyễn Thị Ngân
(Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum)
______________________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.7, tr.392
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.55.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.49.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.244.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.130.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 217.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.495.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.372.
[9] Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “Về công tác dân tộc”.
[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170 – 171.
[11] Nghị quyết 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
[12] Báo cáo số 501/BC-UBND, ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2024.