Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://www.tuyengiaokontum.org.vn


Công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức đảng đầu tiên tại Kon Tum

Ngày 25-9-1930, ngay tại Ngục Kon Tum, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập sau một thời gian tìm cách gần gũi, tuyên truyền cảm hóa các ông đội, ông cai của người tù cộng sản Ngô Đức Đệ, đảng viên Đảng Tân Việt (sau này là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam). Đánh giá ý nghĩa to lớn của sự kiện thiêng liêng này, ngày 17-3-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ra Thông báo kết luận số 59-TB/TU, thống nhất lấy ngày 25-9-1930 làm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Ngô Đức Đệ (trái), người có công sáng lập ra tổ chức đảng đầu tiên ở Kon Tum và đồng chí Huỳnh Đăng Thơ (phải), người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum.
Là tỉnh có địa hình núi rừng hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, xa cách với các tỉnh đồng bằng, nên đến những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, nhân dân các dân tộc Kon Tum vẫn chưa có ảnh hưởng của tổ chức yêu nước tiền thân nào của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, vốn quen với cuộc sống tự do, với tình yêu quê hương, bản làng, họ đã đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, cũng như âm mưu mở rộng miền truyền giáo của các giáo sỹ Công giáo Thừa sai.
Sau thất bại của cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, nhiều chiến sỹ cách mạng ở các tỉnh đồng bằng bị địch bắt tù đày. Với âm mưu giết dần, giết mòn những chiến sỹ cộng sản và các tù chính trị bị tình nghi, thực dân Pháp đã chọn Kon Tum làm nơi giam cầm, đày ải tù nhân để thực hiện ý đồ cai trị của chúng. Vì vậy ảnh hưởng cách mạng đã đến với nhân dân Kon Tum từ đó.
Tháng 6-1930, địch đưa người tù chính trị đầu tiên là đồng chí Ngô Đức Đệ từ Nhà lao Vinh (Nghệ An) lên giam cầm ở Nhà lao Kon Tum. Vì là một đảng viên bị địch bắt khi hoạt động, nên ngay từ đầu địch đặc biệt chú ý đến đồng chí Ngô Đức Đệ. Chúng giam giữ đồng chí tại phòng biệt giam, bên cạnh phòng làm việc của quản lao nhằm dễ bề theo dõi, giám sát. Tại đây, với kinh nghiệm, bản lĩnh của người đảng viên cộng sản, đồng chí đã phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua sự giám sát nghiêm ngặt của kẻ địch, tìm cách tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Chưa có đồng chí, đồng đội hỗ trợ, một mình trong bốn bức tường giam, đồng chí Ngô Đức Đệ đã ngày đêm suy nghĩ tìm ra phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đang hết sức khó khăn…
Qua tiếp cận, đồng chí Ngô Đức Đệ quan sát cung cách ứng xử của viên đội Huỳnh Đăng Thơ (Đội Thơ, còn gọi là đội Phụng) - người được chính quyền thực dân giao nhiệm vụ giám sát trực tiếp tù nhân Ngô Đức Đệ. Qua đó, nhận thấy sự nhân hậu, hiền từ của Huỳnh Đăng Thơ nên đã tìm cách tiếp xúc chuyện trò, rồi đi đến gần gũi, kết tình thân quen, để nắm bắt tâm tư, thái độ của ông. Sau thời gian tìm hiểu, thấy được những hành động, cử chỉ, biểu thị lòng nhân ái của Huỳnh Đăng Thơ đối với tù nhân, đồng chí Đệ đã đặt được niềm tin và tiến đến tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản, xây dựng một tình cảm tốt, một tư tưởng cách mạng trong ông.
Thông qua Huỳnh Đăng Thơ, đồng chí Đệ đã bắt chuyện làm quen với các cai ngục là Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ), tuyên truyền cảm hoá họ trở thành những người cảm tình với cách mạng. Từ đó, đồng chí Đệ quyết định đi đến thành lập Hội Ái hữu gồm 3 người: Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ. Thông qua Hội Ái hữu, đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ nhận thức về đường lối cách mạng và phương châm đoàn kết các dân tộc, các giai cấp bị áp bức đấu tranh chống đế quốc, tay sai của Đảng đến các thành viên. Qua một thời gian tuyên truyền, huấn luyện và thử thách, đến tháng 9 - 1930, đồng chí Ngô Đức Đệ đã lần lượt kết nạp các thành viên Hội Ái hữu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Xét thấy Hội đủ điều kiện, ngày 25 - 9 - 1930, các đảng viên đã thống nhất thành lập Chi bộ Đảng cộng sản tại nhà lao Kon Tum (còn gọi là Chi bộ binh) và cũng là Chi bộ đảng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum. Chi bộ gồm 4 đồng chí: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đây là sự kiện quan trọng của phong trào cách mạng ở tỉnh Kon Tum. Chỉ trong vòng nửa năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thì ở tỉnh Kon Tum xa xôi, cách trở vẫn có một chi bộ đảng được hình thành trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Như vậy, lợi dụng nhà tù đế quốc, các  chiến sỹ Cộng sản bị giam cầm trên địa bàn Kon Tum đã làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động các cai đội, binh lính và những viên chức có tư tưởng yêu nước, tiến bộ...  sớm thành lập nên tổ chức Đảng Cộng sản trên địa bàn tỉnh. Sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc vận động tuyên truyền, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng trong đầu những năm 1930 và về sau. Đánh giá ý nghĩa to lớn của sự kiện thiêng liêng này, ngày 17-3-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ra Thông báo kết luận số 59-TB/TU, thống nhất lấy ngày 25-9-1930 làm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh.


Bài, ảnh: Ngô Đức Hải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây