Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://www.tuyengiaokontum.org.vn


BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 4-2023)

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 4-2023)
A/ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG     
* Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị, tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng[1]… cấp ủy, chi bộ lựa chọn nội dung trong Bản tin Thông báo nội bộ tháng 04/2023 để sinh hoạt. Trong đó, cần tập trung:
1/ Tiếp tục tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05 và Kết luận 01) về chuyên đề toàn khoá “về học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc""Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tuỵ, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững (Chuyên đề của tỉnh năm 2023) và sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (Hướng dẫn số 97-HD/BTGTW ngày 08/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương)
2/ Tuyên truyền một số chỉ thị, nghị quyết: Quy định của Trung ương về sử dụng Đảng kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 07/3/2023 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023  của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
3/ Tiếp tục tuyên truyền về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2023-2024.
4/ Tăng cường tuyên truyền theo đúng các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
B/ TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I- THÔNG TIN THỜI SỰ
1. THẾ GIỚI
2. TRONG NƯỚC
(Tin Thế giới và Trong nước xin xem TẠI ĐÂY)    
3. TRONG TỈNH
3.1. Tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023
Về kinh tế:
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I năm 2023 là 6.230 tỷ đồng, đạt 23,07% kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện quý I là 715 tỷ đồng, đạt 22,0% dự toán Trung ương và đạt 15,9% dự toán địa phương giao. Chi ngân sách địa phương là 2.578 tỷ đồng, đạt 21,6% so với nhiệm vụ chi và bằng 110,4% so cùng kỳ năm trước.
- Tổng diện tích các cây trồng chính vụ Đông Xuân năm 2023 đạt khoảng 10.545,3 ha, đạt 99,4% kế hoạch. Đến nay, tổng diện tích cây cà phê khoảng 29.254 ha; diện tích cao su khoảng 77.492 ha; diện tích cây Mắc ca khoảng 2.363 ha; diện tích cây ăn quả khoảng 9.423 ha; Sâm Ngọc Linh khoảng 1.740,7 ha; cây dược liệu khác khoảng 4.507 ha. Chăn nuôi tiếp tục ổn định, tổng đàn gia súc đạt 261.500 con (đàn trâu 24.000 con, đàn bò 84.500 con, đàn lợn 153.000 con), đạt 94,31% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 1.260 tấn, đạt 15,11% kế hoạch, trong đó: Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 780 tấn; Sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 480 tấn.
- Toàn tỉnh hiện có 42 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới 19/19 tiêu chí (trong đó có 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới), 10 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 32 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 01 xã đạt 08 tiêu chí (không có xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí).
- Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) quý I năm 2023 ước tính tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 2.212 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch năm. Các số sản phẩm chủ yếu tăng trưởng ổn định như: Khai thác đá, cát, sỏi đạt 21,19% kế hoạch; điện sản xuất đạt 17,62% so với kế hoạch; đường đạt 54,86% kế hoạch; tinh bột sắn đạt 26% kế hoạch, tăng 11,32%.
- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý I năm 2023 ước đạt 8.509 tỷ đồng, đạt 27,03% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72 triệu USD([2]), đạt 14.5% kế hoạch năm. Hoạt động du lịch của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt, ước tính trong quý I năm 2023, thu hút được hơn 600.350 lượt khách, đạt 46,18% kế hoạch, doanh thu ước đạt 246,5 tỷ đồng.
- Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 02 dự án đầu tư (ngoài KCN, KKT) với tổng vốn đăng ký khoảng 14,3 tỷ đồng. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được duy trì, trong quý I, thành lập mới ước khoảng 60 doanh nghiệp, tổng vốn điều lệ khoảng 330 tỷ đồng; thành lập mới 14 hợp tác xã, đạt 46,6% kế hoạch, nâng tổng số hợp tác xã lên 244 hợp tác xã.
Về văn hóa, xã hội:
- Đến nay: số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 190 đơn vị, trong đó: Mầm non 58 trường chiếm tỉ lệ 43,6%, tăng 3,83% so với cùng kỳ; Tiểu học 67 trường chiếm tỉ lệ 73,6%, tăng 2,26% so với cùng kỳ; Trung học cơ sở 52 trường chiếm tỉ lệ 47,3%, tăng 7,44% so với cùng kỳ và Trung học phổ thông 13 trường chiếm tỉ lệ 50%, bằng cùng kỳ năm trước. Có 100% trạm y tế có bác sỹ, trong đó 98% trạm y tế có bác sỹ biên chế tại trạm và còn lại là bác sỹ được điều động, luân phiên từ Trung tâm Y tế huyện về trạm y tế làm việc từ 2 đến 3 ngày/ tuần. Tỷ lệ bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 19,37%, đạt 98,08% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp là 11,84%, đạt 99,92% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,96%, bằng 98,51% kế hoạch. Tổng số lao động được giải quyết việc làm mới thực hiện quý I ước khoảng 700 lao động; đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp cho 1.652 người.
3.2. Công tác cán bộ
3.2.1. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ. Theo đó:
- Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Ngọc Trang, Thư ký của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ giữ chức Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
- Bổ nhiệm đồng chí Hoàng Trung Thông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đăk Glei giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024.
- Điều động, phân công và chỉ định đồng chí Nguyễn Thị Liên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức Bí thư Huyện ủy Đăk Hà khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Điều động, phân công và chỉ định đồng chí Ka Ba Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đăk Hà tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
3.2.2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn y Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với đồng chí Võ Kim Thạch, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Plông và Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plong đã phân công đồng chí Võ Kim Thạch giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị huyện.
3.2.3. Kho bạc Nhà nước (KBNN) Kon Tum (ngày 27/2) tổ chức công bố Quyết định số 846/QĐ-KBNN của Tổng Giám đốc KBNN về bổ nhiệm có thời hạn đồng chí Trịnh Khắc Chính, Trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra, KBNN Kon Tum, giữ chức vụ Phó Giám đốc KBNN Kon Tum kể từ ngày 20/02/2023.
3.3. Dừng việc thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy:
Ngày 22-02-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 692-TB/TU, thống nhất chủ trương dừng thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, cụ thể:
- Điều chuyển các biên chế kế toán về lại các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy (mỗi đơn vị 01 biên chế kế toán).
- Chấm dứt việc thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17-11-2000 của Chính phủ "về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp" đối với lao động lái xe, phục vụ, tạp vụ... đang làm việc tại các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy để chuyển sang hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 30-12-2022 của Chính phủ "về hợp đồng đối với một số công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập".
Chủ trương trên thực hiện từ ngày 01-3-2023.
3.4. Chiều 24-2, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 02/2023
Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả: Thu ngân sách Nhà nước toàn tỉnh ước đạt 540 tỷ đồng, bằng 12% dự toán địa phương giao và bằng 59,2% so với cùng kỳ; đến ngày 20/2/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 190,58 tỷ đồng, đạt khoảng 6,43% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao; diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 đạt 69.281,9ha, bằng 87,5% kế hoạch; đã thu hút được khoảng 621.500 lượt khách du lịch, đạt 47,8% kế hoạch và tăng gần 5 lần so với cùng kỳ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số hạn chế, yếu kém như: Thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; hoạt động thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn; xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân san lấp, vận chuyển đất trái phép gây bức xúc trong dư luận; tai nạn giao thông chưa được kiềm chế, tăng mạnh cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: (1) tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời, khắc phục có hiệu quả các hạn chế, tồn tại. (2) Tiếp tục khẩn trương hoàn thành công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, đồ án Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Quy hoạch chung Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, Quy hoạch chung thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, điều chỉnh Phương án chỉnh trị sông Đăk Bla đoạn qua thành phố Kon Tum…(3) Tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ cần thiết để đề xuất Trung ương xem xét bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen, tuyến đường bộ cao tốc kết nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; khắc phục các hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để sớm triển khai các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 và tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh…Yêu cầu các ngành, huyện, thành phố huy động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân triển khai thực hiện Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 13/2/2023 của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để khắc phục đối với chỉ tiêu của các chỉ số thành phần có điểm số thấp của cơ quan, đơn vị, địa phương mình...
3.5. Sáng 28-2, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh tổ chức đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, đến hết năm 2022, (1) tổng số người tham gia BHXH trên toàn tỉnh là 58.650 người, tăng 5.911 người so với năm 2021; tổng số người tham gia BHTN là 35.550 người, tăng 1.951 người so với cùng kỳ năm trước; tổng số người tham gia BHYT là 510.125 người, tăng 21.859 người so với năm 2021. (2) Các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT đã chủ động tham mưu thực hiện các chính sách BHXH, BHYT và có những giải pháp trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực có thể gây thất thoát quỹ. (3) Năm 2022, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 904.706 lượt, tăng 5,86%, so với cùng kỳ năm 2021 với tổng số tiền chi trả là 363,541 tỷ đồng; chất lượng khám chữa bệnh cho các nhóm người tham gia BHYT từng bước được nâng lên. Công tác giải quyết và chi trả các chế độ được thực hiện kịp thời, đúng quy định, rút ngắn thời gian thực hiện đảm bảo thuận tiện cho người tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Nhóm người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với lực lượng lao động của tỉnh và phần lớn chọn mức đóng theo chuẩn nghèo nông thôn; tỷ lệ tham gia BHYT chưa mang tính bền vững; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn tồn tại ở một số doanh nghiệp...
Tại Hội nghị, sau khi thảo luận, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh thống nhất đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2023 như: Tỷ lệ người tham gia BHXH đạt 19,75% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHTN đạt khoảng 11,85% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Đảm bảo chi phí khám chữa bệnh BHYT được thanh toán đúng quy định; giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp; 100% người tham gia BHXH, BHYT được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT...
3.6. Chiều 06-3, Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Phạm Đình Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Công ty Điện lực Kon Tum.
Theo báo cáo, hiện nay tỉnh Kon Tum được cấp điện từ lưới điện quốc gia qua 7 trạm biến áp 110KV với tổng dung lượng 304 MVA và nguồn điện tại chỗ qua 32 Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ có tổng công suất lắp đặt 389,7 MW, đấu nối vào lưới điện 110 và 22 kV do Công ty Điện lực Kon Tum quản lý, vận hành. Công ty luôn bảo đảm khả năng cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong giai đoạn 2016 - 2021, đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tổn thất điện năng trên hệ thống lưới điện do Công ty quản lý vận hành; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Công ty năm 2022 là 1,99%, đang ở mức thấp so với mặt bằng chung. Lưới điện quốc gia đã cấp điện cho tất cả các thôn (làng), xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Toàn tỉnh Kon Tum có 10/10 huyện, thành phố; 102/102 xã, phường, thị trấn; 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên từ nguồn điện lưới quốc gia, đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tham dự buổi khảo sát đã phát biểu, trao đổi làm rõ các vấn đề có liên quan đến những kết quả đạt được; những khó khăn vướng mắc; các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương như: Cần sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; sớm ban hành Nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý để thay thế cho Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
3.7. Sáng 16-3, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh (giai đoạn 2021-2025) tổ chức Phiên họp tháng 3/2023. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 cho biết, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh đã có 42/85 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó có 36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên xã là 15,76 tiêu chí. Toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 7 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được duy trì thực hiện, toàn tỉnh có 205 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao...
Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, hộ nghèo toàn tỉnh là 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; tổng số hộ thoát nghèo trong năm 2022 là 6.781 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm nghèo là 4,46%, đạt 111,5% so với kế hoạch.
Năm 2022, vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là 898,432 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đạt khoảng 223,708 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao 1.177,683 tỷ đồng dự toán ngân sách Trung ương năm 2023 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện 3 Chương trình MTQG gia đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ của Trung ương; trong đó, vốn đầu tư phát triển 675,155 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 502,528 tỷ đồng. Tổng vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2023 là 200,852 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, cân đối nguồn ngân sách các cấp để bố trí đối ứng đảm bảo theo quy định. Tính đến cuối tháng 2/2023, lũy kế giải ngân vốn ngân sách Trung ương giao năm 2022 là 383,140 tỷ đồng, đạt 42,65% kế hoạch; dự kiến sẽ giải ngân 100% kế hoạch vào cuối năm 2023. Đến hết tháng 12/2022, giải ngân vốn ngân sách địa phương năm 2022 khoảng 144,111 tỷ đồng, đạt 64,42% kế hoạch.
Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn ghi nhận những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, (1) các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2023 và kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân từ nay đến cuối năm 2023. (2) Ban Dân tộc tỉnh khẩn trương xây dựng phương án phân bổ chi tiết 65,419 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp ngân sách Trung ương năm 2023 Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ chi tiết cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Kon Plông và Ia H’Drai hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 trong tháng 3/2023.
3.8. Trong năm 2022, toàn ngành Y tế có hơn 140 lượt cán bộ tham dự các khóa đào tạo do Trung ương tổ chức về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao..; hoạt động cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư, hóa chất có chất lượng, giá hợp lý phục vụ công tác xét nghiệm chẩn đoán và quản lý điều trị bệnh Lao, Lao kháng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngành Y tế cũng đã chủ động triển khai các hoạt động khám phát hiện bệnh Lao sớm, duy trì hoạt động xét nghiệm chẩn đoán bệnh Lao tại 12 điểm kính, thực hiện xét nghiệm đờm soi trực tiếp cho khoảng 4.200 lượt người nghi Lao, chụp Xquang phổi cho hơn 11.700 lượt người trên toàn tỉnh, áp dụng chẩn đoán bệnh Lao và bệnh Lao kháng thuốc bằng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại cho hơn 2.000 lượt người.
Các biện pháp can thiệp tích cực được triển khai góp phần đẩy nhanh việc phát hiện và điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân Lao tại cộng đồng. 100% bệnh nhân Lao mới phát hiện được lập hồ sơ quản lý điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế trong mạng lưới phòng, chống Lao của tỉnh. Tỷ lệ bệnh nhân Lao điều trị thành công đạt 97%/năm; tỷ lệ tử vong do Lao giảm còn 1,5% vào năm 2022.
Ngoài những kết quả đạt được, hoạt động phòng, chống Lao trên địa bàn còn có hạn chế như: Tỷ lệ bệnh Lao còn cao ở một số xã vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; người dân chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về bệnh Lao; xã hội còn kỳ thị nên người bệnh mặc cảm, giấu bệnh lây lan vi khuẩn cho người xung quanh; mô hình chống Lao từ tỉnh đến huyện còn nhiều bất cập; nhân lực chưa đủ mạnh để triển khai sâu, rộng nhiều hoạt động phòng, chống Lao trên địa bàn,
Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm Ngành Y tế đặt ra là tăng cường công tác chỉ đạo đối với hoạt động phòng chống Lao; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và đảm bảo nguồn lực trong phòng chống Lao. Về chuyên môn kỹ thuật: đẩy mạnh hoạt động phát hiện bệnh nhân Lao mới tại các tuyến, điều trị và quản lý chặt chẽ nguồn lây bệnh Lao trong cộng đồng; tìm kiếm và điều trị bệnh Lao tiềm ẩn, tiến tới giảm nhanh tỷ lệ mới mắc; đẩy mạnh hoạt động và hoàn thiện việc theo dõi, báo cáo để lượng giá, đánh giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ phòng, chống bệnh Lao ở tất cả các cơ sở y tế. Áp dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, báo cáo, quản lý hoạt động phòng, chống Lao ở tất cả các tuyến...
3.9. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai 38 cuộc thanh tra, kiểm tra (32 cuộc thanh tra hành chính và 06 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành). Đến nay, đã kết thúc 24 cuộc (22 cuộc thanh tra hành chính và 02 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành).
Các cuộc thanh tra hành chính được thực hiện trên các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; việc quản lý, sử dụng đất… với tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra trên 1,4 tỷ đồng và 0,14 ha đất. Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN trên 1,1 tỷ đồng, thu hồi về đơn vị trên 86 triệu đồng và thu hồi 0,14 ha đất; đồng thời, kiến nghị tổ chức họp kiểm điểm đối với 5 tập thể và 28 cá nhân liên quan đến sai phạm.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra cũng đã triển khai 11 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đến nay đã kết thúc 07 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm chủ yếu: Một số đơn vị chưa kịp thời niêm yết, công khai các nội dung cần niêm yết, công khai theo quy định; chưa thực hiện chế độ bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư theo quy định.
Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã triển khai 06 cuộc thanh tra, kiểm tra. Đến nay đã kết thúc 02 cuộc thanh tra, kiểm tra (02 đơn vị được thanh tra, kiểm tra) trên các lĩnh vực giáo dục - Đào tạo, Nội vụ… Qua thanh tra chưa phát hiện sai phạm.
II- THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ  
Chuyên đề 1. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (Xin xem tại đây).
Chuyên đề 2. Phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (Xin xem tại đây).
Chuyên đề 3. Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" (Xin xem tại đây).
Chuyên đề 4. Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (Xin xem tại đây).
C/ VĂN BẢN MỚI
I- VĂN BẢN XÂY DỰNG ĐẢNG
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG  
1.1. Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Xin xem tại đây).
1.2. Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Xin xem tại đây).
1.3. Ban Bí thư Trung ương ban hành Quy định mới về bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí (Xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH        
2.1. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về sơ kết việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị… (Xin xem tại đây).
2.2. Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bổ sung thành viên tham gia Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án “Đẩy mạnh xây dựng Công an tỉnh Kon Tum thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”(Xin xem tại đây).
2.3. Công văn của Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các huyện ủy, thành ủy triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2023 (Xin xem tại đây).
2.4. Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Xin xem tại đây).
2.5. Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát (Xin xem tại đây).
2.6. Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Chuyên đề của tỉnh năm 2023 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tuỵ, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững"(Xin xem tại đây).
II- VĂN BẢN CỦA CHÍNH QUYỀN
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG         
1.1. Nghị quyết của Chính phủ huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới (Xin xem tại đây).
1.2. Nghị định của Chính phủ giải quyết tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế trong bệnh viện (Xin xem tại đây).
1.3. Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, trong đó nhấn mạnh: quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu (Xin xem tại đây).
1.4. Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Xin xem tại đây).
1.5. Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Xin xem tại đây).
1.6. Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất (Xin xem tại đây).
1.7. Chỉ thị của Thủ tướng tăng cường công tác truyền thông chính sách (Xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH  
2.1. Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 07/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum (xin xem tại đây).
2.2. Công văn số 532 /UBND-KGVX ngày 03/3/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 13/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội (xin xem tại đây).
2.3. Công văn số 548/UBND-NC ngày 03/3/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy (xin xem tại đây).
2.4. Công văn số 557/UBND-NNTN ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (xin xem tại đây)
2.5. Công văn số 669/UBND-KGVX ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm chủng COVID-19 (xin xem tại đây)
2.6. Công văn số 734/UBND-KGVX ngày 17/03/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 (xin xem tại đây)
2.7. Công văn số 741/UBND-KGVX ngày 17/03/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng năm 2023 (xin xem tại đây)
2.8. Công văn số 747/UBND-KGVX ngày 20/03/2023 của UBND tỉnh về việc tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn tỉnh (xin xem tại đây)
2.9. Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 21/03/2023 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Kon Tum (xin xem tại đây)
D/ GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT   
1. Nghệ nhân ưu tú A Phương (65 tuổi) ở thôn 12 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) không chỉ đánh đàn T’rưng hay mà còn biết chơi và chế tác được nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Không dừng lại ở đó, mà bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình, Ông luôn nỗ lực truyền dạy âm nhạc cho thế hệ trẻ trong làng. Từ những cống hiến của mình, nghệ nhân A Phương vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian (Chi tiết, xin xem tại đây).
2. Nói đến Nghệ nhân Y Gar ở thôn Kon Sờ Lạc 2 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy), chị Y Nga – Trưởng thôn Kon Sờ Lạc 2 cho biết: “Bà Y Gar là trưởng ban công tác mặt trận thôn gương mẫu, tận tụy, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Bà còn là một nghệ nhân đa tài, am hiểu nhiều nét văn hóa của dân tộc như ẩm thực, ca hát, dệt thổ cẩm. Với sự nhiệt tình của bà, dân làng càng thêm trân trọng và cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Với tâm huyết và những cống hiến của mình, Bà Y Gar là một trong số ít gương mặt tiêu biểu được huyện Kon Rẫy chọn để đề nghị vinh danh và công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Chi tiết, xin xem tại đây).


Phòng Tổng hợp thông tin thực hiện
 

[1] Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong tháng 4-2023: Ngày Sức khỏe thế giới (07-4); Ngày Sách Việt Nam (21-4); Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2023); Ngày Trái đất (22-4); Kỷ niệm 51 năm Ngày Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2023); Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) cùng dịp Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)... 
[2] Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Mặt hàng cao su thô, tinh bột sắn, cà phê nhân và cà phê hòa tan, dây thun khoanh, bàn ghế gỗ các loại. Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Colombia, Đài Loan, Hoa Kỳ…
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây