Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://www.tuyengiaokontum.org.vn


Cuộc vận động Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số - một giải pháp đột phá của tỉnh Kon Tum

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện, góp phần sớm đưa các chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt đời sống, xã hội.
Cán bộ đồn Biên phòng Ia Lân hướng dẫn, giúp nhân dân xã Mô Rai trồng cao su tiểu điền
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Diện tích tự nhiên gần 10.000 km2 với 9 huyện và 01 thành phố, 102 đơn vị hành chính cấp xã với 874 thôn (làng), tổ dân phố; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Attapư, Sê Kông (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), có đường biên giới dài 292,522 km (giáp Lào 154,222 km; giáp Campuchia 138,3km). Dân số khoảng hơn 540.000 người với 43 dân tộc[1] (chiếm trên 54,93% dân số) và trên 42% dân số theo các tôn giáo.
Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường, chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu... Từ đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; nhiều hộ dân, trong đó có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn. Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 28/85 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 33%); thu nhập bình quân đầu người khoảng 32 triệu đồng/năm; có 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 89% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao (cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn 13.688 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 93,74% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và 7.569 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 90,4% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh); trình độ dân trí thấp; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; một bộ phận chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản...
Với quyết tâm chính trị rất cao, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; củng cố niềm tin của Nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 lĩnh vực đột phá và 16 chỉ tiêu chủ yếu để tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện.
Một giải pháp quan trọng để tổ chức thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh là phải làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (vì đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum chiếm 55% dân số). Ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Đây có thể nói là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt đời sống, xã hội.
- Vậy thay đổi nếp nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là gì?
Theo chúng tôi suy nghĩ, đó là làm cho bà con chuyển từ những nhận thức cũ (do một số yếu tố khách quan đã tạo thành nếp nghĩ của bà con) sang nhận thức mới theo chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng. Ví dụ như:
 + Một số bà con thường hay tự ti, tự ái thì bây giờ chúng ta phải khích lệ, động viên, tuyên truyền để bà con tự tôn, tự tin vươn lên, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu.
+ Một số hộ gia đình có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vào cộng đồng thì nay chúng ta phải tuyên truyền, khuyến khích họ có tinh thần tự lực, tự cường, mạnh dạn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Tương tự như vậy, phải làm cho Nhân dân hiểu và nhận thấy rằng tài nguyên thiên nhiên là có hạn (chứ không phải là vô tận); kiến thức, cái chữ rất quan trọng, bởi nó giúp mình làm giàu, tham gia công tác xã hội và làm cán bộ được (chứ không suy nghĩ như trước đây là cái chữ nó không làm no cái bụng được)….
- Vậy còn việc thay đổi cách làm là như thế nào? Đó là việc chúng ta thay đổi biện pháp, cách thức tác động để từ đó làm thay đổi những thói quen, cách làm cũ không mang lại hiệu quả cao.
Việc thay đổi cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được thực hiện với phương châm: hành động tạo thói quen, thói quen hình thành nếp nghĩ, chúng ta phải thay đổi cách làm, cách triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách kiên trì, kiên quyết với phương pháp: mưa dầm thấm lâu (tăng cường tuyên truyền, vận động); tạo được kết quả (từ dễ đến khó, từ cầm tay chỉ việc đến hội nghị đầu bờ…); tạo được sự lan tỏa và phong trào rộng khắp (chú trọng xây dựng mô hình, điển hình; thu hút được sự tham gia của già làng, trưởng thôn, người có uy tín); tạo sự thi đua, phấn đấu (coi trọng công tác biểu dương, khen thưởng)…
Việc thay đổi cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được triển khai thực hiện đều khắp trên các mặt đời sống xã hội. Với cách nhìn và suy nghĩ thực tế là, tại sao chủ trương đúng mà hiệu quả thực tế lại không cao (hoặc không có)? nguyên nhân có phải là do cách làm chưa phù hợp, vậy thì chúng ta phải thay đổi cách làm. Ví dụ như:
Chúng ta thường tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết cho bà con tại các buổi họp dân nhưng hiệu quả không cao. Vậy sao chúng ta không in các nội dung chính thành các tờ rơi, tờ gấp với nội dung ngắn gọn, hình ảnh bắt mắt, ngôn ngữ đời thường để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Nếu trước đây chúng ta thường hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ chế cấp phát thì nay chúng ta nên chuyển sang hình thức cho vay tín dụng ưu đãi; hỗ trợ có điều kiện (người dân có tham gia đối ứng); trước đây chúng ta hay hỗ trợ, tặng quà cho hộ nghèo vào dịp tết đến xuân về thì nay bên cạnh việc làm đó, chúng ta cần chú trọng phát hiện và biểu dương, khen thưởng những hộ thoát nghèo bền vững, những hộ làm kinh tế giỏi....
Trước đây bà con thường phát, đốt rừng làm nương rẫy thì nay phải tuyên truyền, vận động bà con tích cực trồng, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng bền vững (trồng và khai thác dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng; được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng...); trước đây bà con thả rông gia súc thì nay khuyên bà con cần tổ chức chăn nuôi có chuồng trại và thực hiện tốt công tác thú y; trước đây trồng vườn tạp theo hình thức quảng canh, trông chờ vào trời mưa thì nay phải tập trung cải tạo vườn tạp theo hướng chuyên canh, thâm canh, chủ động nước tưới...
Trước đây chi tiêu không khoa học, khi được mùa thì tổ chức lễ hội linh đình, cúng Yàng, cúng rẫy thì nay phải chi tiêu khoa học, hợp lý hơn, nên gắn các hoạt động của nhóm gia đình vào các hoạt động của cộng đồng thôn, làng như Ngày hội đại đoàn kết khu dân cư; hội Bánh chưng xanh; Tết cổ truyền... Trong ăn uống thì tăng lượng rau xanh, giảm rượu bia... Chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị đậm đà bản sắc văn hóa như trang phục, dân ca, dân vũ...
* * *
Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum tuy mới được triển khai nhưng đã và đang tạo ra luồng gió mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cấp ủy đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức phát động và triển khai rộng khắp Cuộc vận động đến các thôn, làng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã hưởng ứng mạnh mẽ và lồng ghép thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động.
Với sự lãnh đạo sát sao, phù hợp với thực tiễn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; với những cách làm cụ thể, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương, tin chắc rằng Cuộc Vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ thành công, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia[2] và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.


Bài, ảnh: Nguyễn Quang Thủy
 
[1] Trong đó có 7 dân tộc tại chỗ: Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre.
[2] Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Giảm nghèo bền vững theo phương pháp đa chiều; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây