Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://www.tuyengiaokontum.org.vn


Vài ghi nhận từ Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931-12/12/2021)”

90 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước, vì lý tưởng của Đảng đã đi vào lịch sử, tạo nên một biểu tượng của lòng yêu nước, một tinh thần quả cảm, trung kiên đã được các thí sinh thể hiện qua Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931-12/12/2021)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.
Đồng chí Huỳnh Quốc Huy, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và đồng chí Nguyễn Quang Thuỷ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao Cờ cho hai tập thể đạt giải Nhì.
Kết thúc 02 tháng triển khai thi trắc nghiệm, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ghi nhận tổng số 20.853 thí sinh tham gia thi trắc nghiệm; về thi viết, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 12.543 bài dự thi của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lao động, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đang sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tổng kết Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao Chứng nhận và nhiều giải thưởng cho tập thể và cá nhân đạt giải….; đồng thời, tặng giấy khen và phần thưởng cho 05 tập thể có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, triển khai Cuộc thi.
Nhìn chung, qua Cuộc thi cho thấy, đa số các bài dự thi đều đảm bảo yêu cầu theo Thể lệ và chuyển tải được chủ đề của Cuộc thi do Ban Tổ chức Cuộc thi công bố. Một số bài dự thi đã thể hiện sự đầu tư nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, có kỹ năng trình bày bài viết tốt với bố cục chặt chẽ, văn phong truyền cảm, sáng tạo; có lời dẫn ấn tượng về sự hy sinh, anh dũng, bất khuất của những người tù chính trị và cảm nghĩ sâu sắc của bản thân về sự hy sinh, anh dũng, bất khuất của những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum như (thí sinh Bùi Thị Lý, giáo viên trường THCS xã Đăk La, huyện Đăk Hà; Nguyễn Duy Thước, đảng viên phường Thắng lợi, thành phố Kon Tum; Trần Thị Yến, Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà). Mặc dù Cuộc thi được phát động và tổ chức trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các địa phương, đơn vị phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo phát động Cuộc thi và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia. Cuộc thi đã thực sự thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung Cuộc thi đã được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Ban Tổ chức Cuộc thi; đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các các đơn vị, địa phương và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua Cuộc thi, đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Cuộc đấu tranh Lưu huyết, với tinh thần quyết tử, những tấm gương anh dũng hy sinh của các chiến sĩ cách mạng với tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ Cộng sản trước vận mệnh sống còn của đất nước, của dân tộc mãi là bản tráng ca bi hùng, đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam trong lịch sử hiện tại và tương lai.
Phát huy tinh thần thi đua ái quốc, tinh thần bất khuất của những Người tù chính trị tại Ngục Kon Tum trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, trên mọi miền Tổ quốc và tại tỉnh Kon Tum nói riêng đã có nhiều tấm gương, nhiều hành động đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần. Đó là hàng trăm, hàng nghìn cán bộ y tế, là hàng trăm sinh viên các trường Đại học Y, dược; hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an, những cán bộ y tế nghỉ hưu, những tấm lòng vàng tương thân tương ái trên mọi miền Tổ quốc đã tình nguyện về vùng tâm dịch giúp người dân chống COVID-19. Những hành động đó thể hiện sự đoàn kết và quyết tấm chiến thắng “giặc” dịch; dù vất vả, hy sinh họ vẫn chấp nhận với tấm lòng nhiệt huyết để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Vẽ nên bức tranh đẹp đó còn là không ít các doanh nghiệp, ngân hàng, tập đoàn, công ty, tình nguyện viên…tuy trong bối cảnh khó khăn, nhưng họ vẫn dành tinh thần, những khoản tiền, hàng lớn đóng góp cho công tác chống dịch trên mọi miền Tổ quốc. Lòng yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất không ngại khó, không ngại nguy hiểm đã trở thành “bảo vật vô giá”, là phẩm chất tự hào của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử, được hun đúc trong mỗi người Việt Nam và thể hiện rõ nhất trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Theo nghĩa nào đó, COVID-19 cũng chính là “giặc ngoại xâm”, đang tìm cách lây lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta hiện nay…
Cuộc thi đã khép lại, song hình ảnh những người tù chính trị đã đi vào lịch sử Nhà ngục Kon Tum kiên cường, bất khuất - một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung của những chiến sỹ Cộng sản. Nối tiếp những tinh thần dũng cảm ấy, ngày nay những chiến sỹ tuyến đầu chống “giặc” dịch COVID-19 đã không ngại khó, ngại khổ; họ đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, góp phần động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng chung tay nỗ lực ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh, góp phần phát triển quê hương, đất nước trong thời gian tới.


Bài, ảnh: Nguyễn Thị Đảm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây