Quan tâm hơn chính sách bình đẳng giới trong công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay 

Quan tâm hơn chính sách bình đẳng giới trong công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay

Thứ sáu - 18/10/2024 09:48
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Quan điểm “Nam, nữ bình quyền” được Người xác định ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tháng 2 năm 1930. Đồng thời, trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Người luôn căn dặn các cấp uỷ Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh của phụ nữ Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ thực hiện bình đẳng giới: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[1].
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nối quan điểm lý luận qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức là nữ. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”[2]. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ngày càng nặng nề, khó khăn và phức tạp hơn, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa càng đặt ra cấp thiết.
Đối với tỉnh Kon Tum, qua 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ, hơn 06 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-01-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Đặc biệt sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 60-KH/TU, ngày 08-6-2018 về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, hầu hết các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội đã nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của cán bộ nữ, quan tâm hơn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, góp phần từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch số 3251/KH-UBND, ngày 13-9-2021 thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ… Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, các địa phương đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cùng với đó, thực hiện bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ ở cùng chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, trừ những công việc quy định phụ nữ không được làm; thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp, bổ nhiệm các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm tỷ lệ nữ theo đúng mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; ưu tiên lựa chọn nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và trong quy hoạch chức danh, chức vụ đó. Các cơ quan, địa phương đã bố trí, tạo điều kiện, cơ hội để nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học,... đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu, tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh đảm nhiệm. Góp phần đưa đội ngũ cán bộ nữ đạt nhiều tiến bộ trong lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tận tâm, tận lực với công việc, có ý thức khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào xây dựng hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác ở địa phương.
Cho đến nay, Kon Tum là một trong những địa phương được đánh giá có tỷ lệ cán bộ nữ cao qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, cán bộ nữ được quy hoạch cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: cấp tỉnh chiếm 26,3%; cấp huyện, thành phố chiếm 28,5%; cấp xã chiếm 39,3%.  Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 8/50 đồng chí (chiếm tỷ lệ 16%); Ban chấp hành đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có 88/461 đồng chí (chiếm tỷ lệ 19,08%); Ban Chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn có 349/1.571 đồng chí (chiếm tỷ lệ 22,21%). Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: HĐND tỉnh có 18/51 đại biểu (chiếm tỷ lệ 35,29%); HĐND cấp huyện có 95/316 đại biểu (chiếm tỷ lệ 30,06%); HĐND cấp xã có 850/2.162 đại biểu (chiếm tỷ lệ 39,31%). Toàn tỉnh có 58/329 cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, chiếm tỷ lệ 17,62%. Hầu hết các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên đều có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý[3].
Điều này cho thấy sự quan tâm của cấp uỷ các cấp và chính quyền địa phương đối với công tác phụ nữ nói chung và việc thực hiện bình đẳng giới trong công tác cán bộ nói riêng. Vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao; công tác cán bộ nữ được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị. Thực tế đó đã tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển mọi mặt trên các lĩnh vực, góp phần cùng với địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được, vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa chú trọng đúng mức công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức là nữ, tỷ lệ bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương (nhất là cấp xã) như đã đánh giá ở trên vẫn còn thấp, chưa tương xứng với khả năng và vai trò của đội ngũ cán bộ nữ. Năng lực tham mưu, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số nữ cán bộ, công chức còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số ít cán bộ, công chức nữ thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện vươn lên trong công tác. Nhận thức của một nhóm xã hội về vai trò, vị thế chính trị của phụ nữ vẫn còn có định kiến và khắt khe hơn nhiều so với nam giới. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng và sự thăng tiến của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội. Vì vậy, để thực hiện tốt hơn nữa chính sách bình đẳng giới trong công tác cán bộ, trong thời gian tới các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần chú ý một số nội dung sau:
Một là,  nâng cao nhận thức và tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong tham gia, thụ hưởng thành quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước.
Hai là, các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Trong đó chú trọng nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham chính cả về số lượng và vị trí đảm nhận. Quan tâm đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Đối với nội dung này, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Ba là, khơi dậy và phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của phụ nữ đối với sự phát triển của địa phương. Đồng thời, phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò người công dân, người lao động, người vợ, người mẹ,…
Bốn là, cần nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Hội liên hiệp phụ nữ ở địa phương hiện nayCác cấp hội cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung hoạt động; bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, tình hình, nhiệm vụ của địa phương, lựa chọn hoạt động thực sự phù hợp với điều kiện tổ chức hội và của hội viên, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động chính trị - xã hội…
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra cho chị em phụ nữ nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực. Vì vậy, để phụ nữ có điều kiện phát huy hết khả năng của mình, tự tin tham gia và thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình trên tất cả các lĩnh vực, công tác cán bộ nữ cần đổi mới và đột phá hơn nữa. Phụ nữ Việt Nam hiện đại khi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cùng với những nỗ lực của bản thân sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước, địa phương, khẳng định hình ảnh, phẩm chất đạo đức cao quý “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.


Lê Thị Minh Phượng
(Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 617
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169
[3] Theo Báo Kon Tum: https://s.net.vn/ACg6

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:119 | lượt tải:114

TÀI LIỆU

phục vụ HN tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024

Lượt xem:449 | lượt tải:157

KL.103.TW

“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”

Lượt xem:106 | lượt tải:245

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:1048 | lượt tải:275

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:221 | lượt tải:126

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:264 | lượt tải:157

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:257 | lượt tải:274
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay15,105
  • Tháng hiện tại353,564
  • Tổng lượt truy cập35,308,723
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây