Tin tức tổng hợp tuần 3 (tháng 12-2017) 

Tin tức tổng hợp tuần 3 (tháng 12-2017)

Chủ nhật - 17/12/2017 21:33
Đại diện lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Rattanakiri và Bộ CHQS tỉnh Kon Tum trao văn bản ký kết hợp tác tại Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ X năm 2017 (nguồn ảnh: baokontum.com.vn)
Đại diện lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Rattanakiri và Bộ CHQS tỉnh Kon Tum trao văn bản ký kết hợp tác tại Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ X năm 2017 (nguồn ảnh: baokontum.com.vn)
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Sáng 12-12, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 86 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum (12/12/1931 - 12/12/2017).
Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, tù chính trị ở “Nhà đày Kon Tum” đã tổ chức cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù, lao động khổ sai của thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh được các tù chính trị chuẩn bị chu đáo, có chương trình hành động, có bản “Tuyên ngôn chính trị”, đội cảm tử...
Sáng 12/12/1931, khi tù chính trị tập trung biểu tình, giăng khẩu hiệu  phản đối chế độ lao tù hà khắc của chính quyền thực dân, cai ngục đã bắn chết 8 người, làm 8 người bị thương trong tổng số 40 người tham gia cuộc đấu tranh. Phản đối sự đàn áp dã man này, tù chính trị đã tổ chức cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài 5 ngày (từ 12-16) và trong ngày 16/12, thực dân Pháp tiếp tục đàn áp cuộc đấu tranh khiến 7 người chết và 7 người bị thương.
Cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực tại Nhà ngục Kon Tum bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu nhưng có tiếng vang lớn đối với phong trào cách mạng trong nước và dư luận quốc tế thời bấy giờ, buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc bóc lột sức lao động của tù chính trị làm đường 14, tiến tới hủy bỏ hoàn toàn Nhà ngục Kon Tum vào năm 1934.
* Sáng 12-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo: Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin và Hội Khuyến học tỉnh về đánh giá công tác nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017.
Năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ từ thiện nhân đạo; Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng có thư ngỏ vận động Quỹ “Vì người nghèo” và hỗ trợ nhân dân khi gặp thiên tai, bão lũ. Ngoài ra, các tổ chức Hội cấp tỉnh đã triển khai các hoạt động, chương trình, với nhiều hình thức vận động doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tham gia ủng hộ, hỗ trợ tiền, hàng hóa giúp người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội có cơ hội ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 năm qua, các đơn vị liên quan đã huy động, tiếp nhận hơn 186 tỷ đồng, hỗ trợ cho 286.414 lượt hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và 103.005 đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí  Trần Thị Nga chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố kiểm tra lại, có số liệu thống kê tổng hợp cơ bản công tác tiếp nhận, thực hiện hỗ trợ nguồn lực nhân đạo, từ thiện ở cơ sở; có đánh giá hiệu quả phân bổ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đặc biệt khó khăn thời gian qua. Trên cơ sở này, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và Ủy ban MTTQVN tỉnh trong công tác từ thiện, nhân đạo, đảm bảo không chồng chéo, bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp làm công tác từ thiện, nhân đạo không qua báo cáo tỉnh, địa phương và giám sát ngành chức năng, để xảy ra việc mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm...
* Ngày 12-12, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự án “Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái”.
Dự án “Vì một thế giới đảm bảo quyền Trẻ em và Bình đẳng cho trẻ em gái” do cơ quan hợp tác và phát triển Bỉ thông qua Tổ chức Plan (Bỉ) tài trợ, được thực hiện từ tháng 1/2017 – 12/2021.
Dự án gồm 2 hợp phần: phát triển trẻ thơ và quản lý rủi ro thiên tai; với mục đích can thiệp, giáo dục trẻ thơ có chất lượng tại cộng đồng, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho trẻ em 0-8 tuổi trong địa bàn, giúp trẻ phát triển toàn diện…
Theo kế hoạch, trong thời gian đến, Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai nhân rộng mô hình chăm sóc, phát triển trẻ thơ (một mô hình nằm trong dự án) cho 9 huyện, thành phố (trừ huyện Kon Plông – địa điểm đã được triển khai, thực hiện dự án).
* Sáng 12-12, Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở về hội nhập quốc tế tại Kon Tum.
Tham gia tập huấn có hơn 100 đại biểu là những cán bộ phụ trách công tác thông tin cơ sở thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa – Thông tin, Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thành phố và cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh các xã, phường trong toàn tỉnh.
Hội nghị tập huấn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cập nhật thêm kiến thức, thông tin, hiểu biết rõ hơn về yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền hội nhập quốc tế ở cơ sở trong tình hình mới.
* Chiều 13-12, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa có buổi làm việc với UBND thành phố Kon Tum về những đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố. Dự buổi làm việc có đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đánh giá cao những nỗ lực của thành phố Kon Tum trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017.
Đối với đề xuất, kiến nghị của thành phố về biên chế nhất là về biên chế sự nghiệp giáo dục, đồng chí lưu ý, trước hết thành phố phải rà soát tổng thể, có thể thu gọn trường cấp I và cấp II chung; thu gọn các điểm trường lẻ không đủ số lượng học sinh và sử dụng số lượng tuyển dụng 50% biên chế giáo viên đã nghỉ hưu theo quy định… để giải quyết việc thiếu biên chế.
Về hụt thu ngân sách, thành phố phải nỗ lực hơn nữa trong tăng thu, nhất là nguồn thu ngoài quốc doanh, khai thác quỹ đất để tăng nguồn thu; cân đối lại nhiệm vụ chi khi hụt nguồn thu ngân sách. Tỉnh chỉ tăng cường hỗ trợ khi có nguồn thu bổ sung ngân sách từ Trung ương.
Về công tác giải quyết việc giao đất trái thẩm quyền tại thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây cần phải xem lại phương án, sao cho việc giao đất phải đúng quy định và bảo vệ quy hoạch.
Việc hỗ trợ đền bù, tái định cư khu đường Trương Quang Trọng phải có phương án hợp lý không gây hệ lụy, đảm bảo sự công bằng cho những hộ dân đã nhận đền bù và di dời trước đó…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng tình với việc đầu tư xây dựng hai tuyến đường Hàm Nghi, Sư Vạn Hạnh mà người dân kiến nghị nhiều lần; tiếp tục xây dựng các đường hẻm nội thị bằng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân…
* Ngày 13-12, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 28 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12) và đối thoại trực tuyến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với 3 đồn Biên phòng: Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), A Pa Chải (tỉnh Điện Biên), đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định các thế hệ bộ đội Biên phòng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách nhiệm vụ được giao, lập nên nhiều chiến công lớn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới...
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong tình hình mới, đòi hỏi lực lượng vũ trang nói chung và bộ đội Biên phòng nói riêng phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt; xây dựng đội ngũ cán bộ chiến sĩ có phẩm chất chính trị tốt, tinh thông nghiệp vụ, chính quy, chủ động trong mọi tình huống; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bộ đội Biên phòng phải chủ động năm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, phải hợp cùng các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng khu vực biên giới phát triển...
Chủ tịch nước cũng đã biểu dương tinh thần vượt khó và chúc mừng những thành tích Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã đạt được trong thời gian qua và mong muốn đơn vị tiếp tục phát huy thành tích để hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao...
* Ngày 13-12, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017; triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Tuy yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, các huyện, thành phố, các chủ rừng và lực lượng chức năng của tỉnh cần tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và Tổ Kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã; đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác QLBV rừng và PCCC rừng. Tiếp tục rà soát lại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, cơ sở nào không đảm bảo điều kiện phải kiên quyết loại bỏ. Đặc biệt là xử lý các điểm nóng về vi phạm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, phát huy các mô hình quản lý, bảo vệ có hiệu quả. Yêu cầu các chủ rừng cần phát huy hơn nữa vài trò trách nhiệm của các chủ rừng. Những nơi nào còn rừng do UBND xã quản lý nên giao hết cho cộng đồng và có cơ chế ràng buộc cộng đồng chịu trách nhiệm bảo vệ, vì đây là mô hình đang có hiệu quả. Đồng thời phải rà soát, kiện toàn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng. Đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng, sống còn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cần triển khai thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2018.
* Trong hai ngày (13 và 14-12), tại Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho hơn 100 đại biểu là cán bộ, người có uy tín ở các thôn của 13 xã biên giới của tỉnh.
Các đại biểu được tập huấn các nội dung pháp luật về hòa giải ở cơ sở, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Bộ luật Dân sự, Luật Cư trú và Quy chế khu vực biên giới. Các đại biểu được giới thiệu về Luật Khoáng sản, Nghị định 196 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Sau tập huấn, đội ngũ người có uy tín, cán bộ cở sở là những hạt nhân tiêu biểu trong tuyên truyển, vận động người dân khu vực biên giới chấp hành tốt chính sách pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới của tỉnh ổn định và phát triển.
* Chiều 14-12, tại tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum do Đại tá Phạm Ngọc Phú - Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn đã tiến hành hội đàm với Đoàn đại biểu Tiểu khu Quân sự Rattanakiri do Thiếu tướng Khăm Suk - Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn.
Trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, nhằm tăng cường sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi và thống nhất những nội dung chính sau:
Thường xuyên phối hợp trong công tác trao đổi, thông báo tình hình có liên quan đến biên giới, đấu tranh với âm mưu thủ đoạn hoạt động của các tổ chức khủng bố và các loại tội phạm khác làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự khu vực biên giới của hai nước, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền, kích động gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra song phương, quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hoạt động xâm nhập qua biên giới, nhất là tội phạm cướp có vũ trang, khủng bố, mua bán, vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ, tội phạm kinh tế và các loại tội phạm khác; tạo điều kiện thuận lợi và cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đội Phân giới cắm mốc của hai nước.
Duy trì và quản lý chặt chẽ các hoạt động qua lại biên giới; tham mưu cho chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội khu vực biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia; tiếp tục tham mưu chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả thỏa thuận giữa 2 chính phủ của hai nước đã kí kết.
Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai bên qua lại biên giới thăm thân, khám chữa bệnh, trao đổi hàng hóa, phục vụ đời sống dân sinh và tham quan du lịch...
* Ngày 15-12, tại thành phố Ban Lung, tỉnh Ratanakiri (Campuchia) Bộ CHQS tỉnh Ratanakiri và Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ X năm 2017. Thiếu tướng Khăm Súc, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ratanakiri và Đại tá Trương Quang Nhạn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội nghị.
Năm 2017, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Ratanakiri đã thường xuyên trao đổi thông tin, cùng nhau giải quyết tốt những vấn đề xảy ra, phối hợp bảo vệ vững chắc tình hình an ninh trên tuyến biên giới; phối hợp trong công tác tìm kiếm, quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia về nước mùa khô 2016-2017. Bộ CHQS tỉnh đã sang thăm, chúc tết và tặng quà nhân các ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc Campuchia. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, nhưng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ Bộ CHQS tỉnh Ratanakiri 500 triệu VNĐ  để xây dựng và củng cố cơ sở, vật chất. Những việc làm đó đã tăng cường quan hệ, giữ gìn mối đoàn kết, hữu nghị, hợp tác truyền thống, cùng nhau giữ gìn, bảo vệ biên giới ổn định, hoà bình và ngày càng phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Năm 2018, hai bên tiếp tục phối hợp nắm và trao đổi tình hình, ngăn chặn kịp thời những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, thúc đẩy công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân hai tỉnh hiểu, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh; chỉ đạo Ban CHQS các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai thuộc Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Ban CHQS các huyện Đun Mia, Tà Veng thuộc Bộ CHQS tỉnh Ratanakiri cùng nhau hợp tác và tăng cường công tác bảo vệ an ninh biên giới quốc gia; tiếp tục hợp tác, vận động nhân dân và các lực lượng có liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh mùa khô 2017-2018 đạt kết quả cao.
Nhân chuyến công tác, Đại tá Trương Quang Nhạn và Thiếu tướng Khăm Súc  đã nghiệm thu và bàn giao nhà ở và nhà  làm việc trị giá trên 2 tỉ đồng cho đội K53 tại huyện Ô Chum, tỉnh Ratanakiri. Trong số 9 phòng, đội K53 sử dụng 6 phòng để ở, làm việc, 3 phòng giao cho Ban CHQS Huyện đội Ô Chum quản lý sử dụng. Công trình này sẽ bàn giao cho Bộ CHQS tỉnh Ratanakiri quản lý, sử dụng sau khi Đội K53 kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Ratanakiri.  
* Sáng 15-12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá một năm thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Trương Minh Tuấn chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình. Tại điểm cầu Kon Tum, dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố…
Sau một năm triển khai Quyết định 45, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã chủ động chuẩn bị các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ; đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan nhà nước và nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cung ứng dịch vụ.
Đến nay, 63/63 Bưu điện tỉnh, thành phố thực hiện việc chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ cơ quan hành chính đến tận tay người dân; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phát đến địa chỉ nhận và đã có trên 8 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã sử dụng dịch vụ nhận gửi hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích…
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các kiến nghị, góp ý của các tỉnh, bộ, ngành. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, các tỉnh, thành tiếp tục triển khai sâu rộng, đẩy mạnh tuyên truyền dưới mọi hình thức về cải cách hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải cách thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích hiệu quả cao nhất…
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 5/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1301/QĐ-UBND về Kế hoạch Xúc tiến thương mại địa phương năm 2018.
Theo đó, đối với Chương trình xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Hội chợ 2018 tại các tỉnh trong nước.
Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và đưa hàng Việt về nông thôn: Tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Glei, Ia H'Drai; Xuất bản tờ gấp quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum; Tham gia Hội nghị kết nối giao thương và hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Chương trình xúc tiến thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới: Tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt đến khu vực biên giới huyện Ngọc Hồi trong quý IV năm 2018.                             
Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Kon Tum. Thu hút các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước quan tâm, hợp tác, đầu tư tại Kon Tum.
Giúp các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại: Quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của địa phương.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “ Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường nông thôn, xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu, tăng thị phần kim ngạch tại những thị trường xuất khẩu truyền thống. Củng cố, phát triển và xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ.
Xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường sản phẩm, hợp tác, giao lưu thương mại trong và ngoài nước, đồng thời tạo chỗ đứng cho sản phẩm của các doanh nghiêp tỉnh Kon Tum.
* Ngày 7/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 54/2017/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quy chế quy định nguyên tắc và nội dung quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Kon Tum; trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong quản lý và phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh; Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Thông tin đối ngoại quy định tại Quy chế này bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam nói chung và về tỉnh Kon Tum nói riêng, thông tin quảng bá hình ảnh của Việt Nam, của Tỉnh và thông tin tình hình thế giới vào tỉnh Kon Tum. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại, bao gồm: Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Thông tin về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tình hình hội nhập quốc tế của tỉnh; Quảng bá hình ảnh, tiềm năng về du lịch, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư của tỉnh; Cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến tỉnh được dư luận nước ngoài quan tâm; Giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh; Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo và biên giới lãnh thổ của Tổ quốc và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của trung ương, của tỉnh....
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định trách nhiệm quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh; theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh theo quy định; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tăng cường số lượng, chất lượng tin, bài, chuyên mục, chuyên đề, các hình thức khác trong việc tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đường lối đối ngoại của nước ta, về vấn đề hợp tác, hội nhập, chủ quyền biên giới, lãnh thổ, quốc gia, quảng bá hình ảnh vùng đất, lịch sử, văn hóa, du lịch, con người của tỉnh Kon Tum. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, các thông tin xuyên tạc, bóp méo, sai sự thật một cách kịp thời, hiệu quả; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và phát luật Nhà nước về vấn đề Biển Đông, chủ quyền biên giới; không để ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao, giữ gìn ổn định, hòa bình trong khu vực và của đất nước.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2017 và thay thế Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Kon Tum được ban hành theo Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 của UBND tỉnh Kon Tum.
* Ngày 12/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 56/2017/QĐ-UBND về việc bãi bỏ 13 văn bản do UBND tỉnh ban hành do không còn phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể:
Quyết định số 38b/1999/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành Quy chế báo cáo viên pháp luật.
Chỉ thị số 01/2000/CT-UB ngày 10 tháng 4 năm 2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về tổ chức phổ biến tuyên truyền Bộ luật Hình sự.
Quyết định số 22/2000/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc không uỷ quyền ký cấp bản sao quyết định thay đổi cải chính hộ tịch.
Chỉ thị số 16/2000/CT-UB ngày 07 tháng 11 năm 2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về tổ chức thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
Chỉ thị số 06/2002/CT-UB ngày 13 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc triển khai thực hiện Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 và Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ.
Quyết định số 82/2004/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc xác lập phạm vi khu vực biên giới, vành đai, vùng cấm tỉnh Kon Tum.
Quyết định số 53/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế.
Quyết định số 46/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị, chế độ đón tiếp khách nước ngoài, chi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chi tiếp khách trong nước áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về sửa đổi một số mức chi chế độ hội nghị được ban hành kèm theo Quyết định số 46/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc quy định một số chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về mức chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Quyết định số 53/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2017.
* Ngày 12/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1332/QĐ-UBND quy định khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở thuộc dự án Khu dân cư Hoàng Thành, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum
Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị và ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2575/BXD-PTĐT ngày 30/10/2017, UBND tỉnh quy định khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở thuộc dự án Khu dân cư Hoàng Thành, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum với tổng số 187 lô đất, tổng diện tích khoảng 3,332ha.
Giao UBND thành phố Kon Tum phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát Chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng phát triển đô thị; kiểm tra việc giám sát chặt chẽ người dân tự xây dựng nhà ở sau khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị.
* Ngày 12/12/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3358/UBND-KGVX chỉ đạo quản lý, sử dụng nhà rông trên địa bàn tỉnh; theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, huy động sức dân vào việc khôi phục nhà rông truyền thống, vận động đồng bào các dân tộc tại chỗ bảo lưu, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, đồng thời đưa các nội dung sinh hoạt văn hóa mới vào nhà rông để nhà rông thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồngtriển khai công tác xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác để xây dựng nhà rông; đưa biểu tượng, kiến trúc nhà rông vào các công trình văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hoá cấp xã, huyện mang truyền thống đặc thù của dân tộc tại chỗ; gắn việc vận động xây dựng, quản lý hoạt động nhà rông truyền thống với công tác vận động xây dựng Khu dân cư văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh" trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hàng năm, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương rà soát, thống kê việc quản lý, sử dụng nhà rông trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục những tồn tại, thiếu sót ở các địa phương. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương về triển khai hoạt động của Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn tại những thôn, làng có nhà rông đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; việc xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể; huy động nguồn lực, tạo kinh phí tự chủ, mua sắm trang thiết bị, có nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động khác; xây dựng Quy chế hoạt động nhà rông theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng tăng cường đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giới thiệu về nhà rông. Tăng cường đưa hình ảnh nhà rông ra để giới thiệu, tôn vinh giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum, nhằm thúc đẩy các hoạt động tham quan, du lịch của địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp xây dựng, biên soạn tài liệu về kiến trúc, lịch sử nhà rông truyền thống của các dân tộc phục vụ chương trình giảng dạy ngoại khóa, giáo dục kiến thức, nâng cao ý thức tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của nhà rông đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tạo điều kiện tốt cho Nhân dân các thôn, làng khai thác nguồn nguyên, vật liệu tại chỗ để xây dựng, sửa chữa nhà rông, đảm bảo kiến trúc truyền thống.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm, trên cơ sở mức vốn ngân sách Trung ương bố trí, khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nhu cầu đầu tư, sửa chữa nhà rông của các địa phương, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.
Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, triển khai huy động các nguồn lực xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác để duy trì và khôi phục nhà rông.
Ban Dân tộc: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa nhà rông truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Sở Nội vụ: Phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương hướng dẫn Nhân dân thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, các lễ hội dân gian tại nhà rông theo quy định của pháp luật.
Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp diễn ra các hoạt động tại nhà rông trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm quản lý về các nội dung hoạt động tại nhà rông truyền thống của địa phương phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa của các dân tộc tại chỗ; đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Hàng năm triển khai công tác tu sửa cấp thiết cũng như xây dựng nhà rông truyền thống trên địa bàn, đảm bảo những những trang thiết bị tối thiểu như hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, phông màn… phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động tại nhà rông. Trước mắt, vận động khôi phục, sửa chữa nhà rông ở những nơi hư hỏng xuống cấp không sử dụng được.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội: Phối hợp phổ biến, tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trong việc quản lý và sử dụng nhà rông truyền thống; giám sát cộng đồng đối với các hoạt động xây dựng, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà rông truyền thống trên địa bàn tỉnh; gắn nội dung vận động khôi phục, quản lý, sử dụng nhà rông với các “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
* Ngày 12/12/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3354/UBND-KGVX thống nhất việc tổ chức lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đã tìm kiếm đợt này tại Đài tưởng niệm Chư Tan Kra theo nguyện vọng của Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Trung đoàn 209 và gia đình thân nhân các liệt sĩ.
Theo thông tin từ UBND huyện Sa Thầy, từ ngày 23/11 đến ngày 29/11/2017, Đoàn tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lực lượng của huyện Sa Thầy đã tổ chức tìm kiếm, phát hiện và cốt bốc được 15 hài cốt liệt sĩ, trong số đó có 11 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trong một hố chôn tập thể.
Di vật của các liệt sĩ thu thập được rất nhiều gồm: tăng, võng, dây dù, dao, cuốc, xẻng, bình tông đựng nước, bát B52, bút máy kim tinh, thau chia cơm, đĩa hai ngăn. Đặc biệt, trên 3 bình tông đựng nước có khắc các tên như Mót, Trần Quý Lưu, Khiết và trên 2 bút máy kim tinh có khắc tên Bá Thi và Nguyễn Văn Mô.
* Ngày 13/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1349/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trồng rau, hoa, cây ăn quả xứ lạnh gắn với thí điểm trồng xen sâm dây và một số cây dược liệu khác của Công ty TNHH MTV Phương Tây Kon Plông.
Theo đó, mục tiêu của dự án là trồng cây dược liệu; trồng rau, hoa, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; trồng cây ăn quả.
Công suất thiết kế: Trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGap với sản lượng 14 tấn/300 cây Bơ Booth 7/năm; Trồng xen các loại cây dược liệu (Sâm dây, Đương quy, Tam thất bắc) trong diện tích trồng Bơ với sản lượng 15,75 tấn/năm; Trồng các loại rau, hoa trên diện tích 200 m2 với sản lượng 0,6 tấn/năm.
Địa điểm thực hiện dự án: Tiểu khu 482, thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Diện tích mặt đất sử dụng của dự án 1,78 ha; thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án: Thời gian chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng: Quý IV năm 2017.  Thời gian xây dựng các hạng mục công trình và trồng rau, hoa, quả và cây dược liệu: Từ quý I năm 2018 đến quý II năm 2018. Thời gian vận hành, sản xuất kinh doanh và cung cấp sản phẩm: Từ quý III năm 2018.
Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các quy định của pháp luật có liên quan và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:101 | lượt tải:96

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:129 | lượt tải:86

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:174 | lượt tải:120

TÀI LIỆU

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày hy sinh của Đồng chí Phan Văn Khoẻ, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ

Lượt xem:821 | lượt tải:103

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Lượt xem:1560 | lượt tải:233

KH.130.TU

về tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV-năm 2024

Lượt xem:61 | lượt tải:19

QĐ.1084.TU

thành lập Ban Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV – năm 2024.

Lượt xem:59 | lượt tải:15


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay8,437
  • Tháng hiện tại506,817
  • Tổng lượt truy cập30,040,994
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây