Tham dự Hội nghị có đồng chí Đại tá Trịnh Khắc Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện Lãnh đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Công an tỉnh.
Tại Hội nghị đã thông qua báo cáo tổng kết tình hình, kết quả công tác nhân quyền năm 2022, trong đó tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân, từ đó, đưa ra giải pháp trọng tâm trong năm 2023.
Để đánh giá sâu sát công tác nhân quyền hiện nay tại các cơ quan, ban ngành, địa phương, Hội nghị đã tổ chức thảo luận một số chủ đề xoay quanh việc triển khai công tác nhân quyền theo chức năng, nhiệm vụ của Công an tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, UBND thành phố Kon Tum và UBND huyện Sa Thầy như: Công tác Công an tham gia bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền; Kết quả thực hiện chính sách dân tộc và những vấn đề đặt ra trong công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo an sinh xã hội cho người dân sau thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Kon Tum; Công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của Tin lành Đấng Christ và giải pháp giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên địa bàn. Tại nội dung tham luận, các đơn vị đã nêu bật thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhân quyền trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc nêu rõ những hạn chế hiện nay trong hoạt động của hệ thống chính trị địa phương và những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Thực trạng này đòi hỏi công tác nhân quyền thời gian tới cần được các cơ quan thành viên, UBND các huyện thành phố nhận thức đúng đắn, sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc theo nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giảm phiền hà, sách nhiễu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường tuyên truyền, định hướng thông tin chính thống về công tác phòng, chống tham nhũng của ta, không để các đối tượng bên ngoài kích động, chống phá, ảnh hưởng tiêu cực nhận thức và tư tưởng của người dân; giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, không tham gia bình luận, chia sẻ thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng; quan tâm triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo; tăng cường đối thoại, tiếp xúc thanh niên, hướng nghiệp và phát huy vai trò thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; bổ sung, chỉnh sửa quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra.
Tin, ảnh: Hồ Thị Khánh Vi