Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo: Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, sở, ban, ngành, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố; các thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Cao đẳng Kon Tum, VNPT Kon Tum; Viettel Kon Tum; Mobifone Kon Tum; Tập đoàn BKAV; Trung tâm Internet Việt Nam; Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII; Công ty TNHH Đầu tư Giang Phong; Ngân hàng Vietcom Bank - Chi nhánh Kon Tum…
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh công tác chuyển đổi số của tỉnh đã có bước tiến đáng kể, đã triển khai Kho dữ liệu dùng chung và Kho dữ liệu điện tử cho cá nhân, tổ chức trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; các cơ sở dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường và nông nghiệp được tích cực thực hiện.
Đến nay, có 52,6% cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt; 98,5% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã được đồng bộ và xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ tài khoản định danh điện tử được kích hoạt đạt 74,69%; thương mại điện tử, thuế điện tử và hóa đơn điện tử dần phát huy hiệu quả, góp phần chống thất thu thuế. Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024, với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và tổ chức các hoạt động như: Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; hướng dẫn bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; hướng dẫn tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet; hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt phần mềm VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Việc cung cấp cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của các đơn vị, địa phương còn chậm; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến còn thấp; còn nhiều khu vực lõm sóng di động; việc sử dụng các dịch vụ số của người dân ở khu vực nông thôn còn rất ít; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức...
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Đồng chí đề nghị Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh phải tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số với quyết tâm cao nhất để thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể trong chuyển đổi số, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, doanh nghiệp: (1). Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân tham gia sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ số vào các hoạt động đời sống và kinh doanh; (2). Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp; rà soát số hóa, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật danh mục dữ liệu, cung cấp dữ liệu định kỳ nhằm đảm bảo chia sẻ, kết nối với Bộ, ngành Trung ương; (3). Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau; (4). Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; (5). Tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng số, thúc đẩy hạ tầng viễn thông với quan điểm là “Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước”. Việc phát triển hạ tầng số phải toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả.
Dịp này, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII tặng 100 tài khoản học trực tuyến MasterTeck trị giá 100 triệu đồng và Công ty BKAV tặng 50 thẻ BKAV Pro cho tỉnh Kon Tum.
Tin, ảnh: Nguyễn Văn Thương