Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Thường trực các Huyện ủy: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, sau một thời gian triển khai thực hiện Kế hoạch số 133-KH/TU, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo kế hoạch; công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở được thực hiện thường xuyên; nội dung thực hiện mô hình “Dân vận khéo” đã bám sát tình hình thực tế và nhu cầu của người dân; Nhân dân rất phấn khởi, đồng thuận hưởng ứng và tích cực phối hợp tham gia với các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ trong việc vận động triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.
Kết quả đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thành lập 55 Tổ hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo”; có 52/58 cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai; có 48/58 cơ quan, đơn vị đã có văn bản đăng ký 82 mô hình “Dân vận khéo” với 468 hộ được hỗ trợ. Tại các thôn thuộc huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức 80 đợt tuyên truyền, vận động hơn 2.700 lượt người dân, mở 10 lớp tập huấn với 241 người dân tham gia; hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ các giống rau, cây ăn trái, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt, hướng dẫn xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón cây trồng, phòng ngừa bệnh trên gia súc.
Các cơ quan, đơn vị đã vận động, hỗ trợ xóa 17 nhà tạm với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng, lắp đặt 48 bóng đèn năng lượng thắp sáng tại các khu dân cư, đường giao thông nông thôn; xây dựng 06 công trình vệ sinh; hỗ trợ bồn nước sinh hoạt. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp; làm cổng nhà, rào vườn nhà, xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội, giữ gìn môi trường “Xanh-Sạch-Đẹp”; sửa chữa hệ thống kênh mương, san lấp mặt bằng để xây dựng nhà; hỗ trợ các thôn duy trì, phát triển các mô hình đang có hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện với tổng kinh phí trên 263 triệu đồng. Đối với các huyện ủy, thành ủy còn lại đã phân công 311 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp huyện tham gia giúp đỡ hỗ trợ 313 các thôn thuộc 61 xã. Đảng ủy Bội đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo triển khai đến 16 Đồn Biên phòng và Tiểu đội huấn luyện, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đứng chân trên địa bàn để triển khai thực hiện Kế hoạch số 133-KH/TU. Việc triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại các thôn chủ yếu sử dụng kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị; tổng kinh phí thực hiện các mô hình là trên 2,9 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Tuy, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong thời gian tới, đồng chí mong muốn các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch số 133-KH/TU. Trong đó, cơ quan, đơn vị nào chưa triển khai thực hiện, cần nỗ lực thực hiện trong thời gian tới; đối với những đơn vị đã làm tốt, cần cố gắng làm tốt hơn nữa, tăng cường xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, gắn với các tiêu chí xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Tin, ảnh: Nguyễn Văn Thương